Ung thư khoang miệng

Giới thiệu

Ung thư khoang miệng là gì và nguyên nhân gây bệnh

Theo phân loại năm 1988 của Ủy ban liên hợp về Ung thư Hoa Kỳ (AJCC) và Hiệp hội Phòng chống Ung thư quốc tế (UICC), khoang miệng bao gồm môi, niêm mạc má, nướu dưới, nướu trên, tam giác hậu hàm, sàn miệng, khẩu cái cứng (vòm miệng cứng) và 2/3 phía trước của lưỡi. Hầu hết ung thư khoang miệng là các khối u biểu mô dạng vảy hình thành do sự suy giảm của các tế bào biểu mô niêm mạc, một số ít là ung thư biểu mô tuyến hình thành do sự suy giảm của các tuyến nước bọt nhỏ. Trong số các bệnh ung thư miệng ở Đài Loan, Ung thư niêm mạc má và ung thư lưỡi chiếm đa số. Bệnh có liên quan chặt chẽ đến thói quen ăn trầu, hút thuốc và uống rượu. Các yếu tố liên quan khác bao gồm vệ sinh răng miệng kém, kích ứng hóa học trong thời gian dài, răng thật xiêu vẹo hoặc răng giả không phù hợp; các mảng bạch sản (đốm trắng) hoặc hồng sản (đốm đỏ) ở khoang miệng có thể tiến triển nặng hơn thành ung thư khoang miệng. Trong khoang miệng có thể xuất hiện nhiều khối u ung thư ở các vị trí khác nhau. Ung thư là căn bệnh do tổn thương gen với nhiều loại nguyên nhân, trong đó yếu tố môi trường (tác nhân gây ung thư bên ngoài) đóng vai trò rất quan trọng gây ung thư khoang miệng. Vì vậy, chúng ta cần chú ý phòng ngừa ung thư khoang miệng.


Triệu chứng ung thư khoang miệng

“Tổn thương tiền ung thư” không phải là ung thư khoang miệng, nhưng nếu nguồn kích thích tồn tại trong thời gian dài hoặc mặc kệ không xử lý, thì rất có khả năng sẽ phát triển thành ung thư khoang miệng.

  1. Niêm mạc miệng thay đổi màu sắc: Màu sắc của niêm mạc miệng bình thường là màu hồng hơi đỏ, nếu chuyển sang màu trắng không thể lau sạch được và tồn tại trong thời gian dài, đó chính là bạch sản. Nếu có màu đỏ không lau sạch được và tồn tại trong thời gian dài, đó chính là hồng sản. Thông thường hồng sản có nhiều khả năng ác tính hơn so với bạch sản.
  2. Lở loét: Loét niêm mạc miệng quá 2 tuần vẫn không lành.
  3. Cục u: Có khối u không rõ nguyên nhân ở trong miệng hoặc bất cứ nơi nào trên cổ.
  4. Cử động và cảm giác của lưỡi: Cử động của lưỡi bị hạn chế, gây khó khăn khi nhai, nuốt hoặc nói; một bên đầu lưỡi bị tê hoặc mất cảm giác, đều cần phải mau chóng xác định nguyên nhân.

Chẩn đoán ung thư khoang miệng

Triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất của ung thư khoang miệng là lở loét khó lành hoặc có khối u không rõ nguyên nhân. Nếu có các triệu chứng trên, tốt nhất hãy đến tại khoa Tai mũi họng và Phẫu thuật đầu cổ, khoa Ngoại Chỉnh hình hoặc khoa Ngoại Răng Hàm Mặt để khám và điều trị. Phương pháp chẩn đoán quan trọng nhất là sinh thiết mô bệnh học, để phân biệt lành tính hay ác tính, từ đó đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Nếu là ác tính thì cũng không vì tiến hành sinh thiết mà khiến ung thư di căn hoặc lan rộng.


Phân loại giai đoạn lâm sàng ung thư khoang miệng

Việc phân loại giai đoạn lâm sàng của ung thư khoang miệng, ngoài thông qua kiểm tra bằng mắt và sờ nắn ra, đôi khi cần phải chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ để có thể xác định một cách đầy đủ. Mục đích chính của việc phân loại giai đoạn ung thư khoang miệng là nhằm xác định lựa chọn phương pháp điều trị, đánh giá tiên lượng và so sánh kết quả của các phương pháp điều trị khác nhau. Hiện nay, việc phân loại giai đoạn ung thư khoang miệng được xác định căn cứ vào kích thước của khối u nguyên phát (T), có di căn hạch cổ hay không (N) và có di căn xa hay không (M), dựa theo hệ thống TNM (phân loại UICC, AJCC 1988).

Giai đoạn 0: Tế bào ung thư biểu mô tại chỗ khu trú ở biểu mô niêm mạc miệng.

Giai đoạn I: Đường kính lớn nhất của khối u là ≤ 2 cm, không có di căn hạch cổ (hoặc di căn xa).

Giai đoạn II: Đường kính lớn nhất của khối u là > 2 cm nhưng ≤ 4 cm, không có di căn hạch cổ (hoặc di căn xa).

Giai đoạn III: Đường kính lớn nhất của khối u là > 4 cm hoặc đã di căn đến hạch cùng bên cổ, hạch cổ đó có đường kính lớn nhất không quá 3 cm.

Giai đoạn IV: Bất kỳ tình huống nào sau đây, bao gồm:

  1. Khối u xâm lấn các mô lân cận (như: xuyên qua lớp xương ngoài, đi vào lớp cơ sâu, xoang hàm trên, da).
  2. Số lượng di căn hạch cổ nhiều hơn 1 hạch (bất kể là cùng bên, bên đối diện hoặc cả hai bên của ổ bệnh ban đầu), hoặc đường kính lớn nhất của hạch là trên 3 cm.
  3. Đã di căn xa.

Đội ngũ y bác sĩ khoa Đầu cổ chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân có khối u đầu cổ. Tại Đài Loan, do thói quen hút thuốc lá, uống rượu và ăn trầu cau khiến tỷ lệ mắc bệnh ung thư khoang miệng không ngừng gia tăng. Đối với nhóm bệnh nhân này, đội ngũ chúng tôi kết hợp Khoa Phẫu thuật Tạo hình, Khoa Phóng xạ và U bướu, khoa Ung bướu và Huyết học để thiết kế phác độ điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân. Hầu hết các ca ung thư khoang miệng đều áp dụng phương pháp điều trị bằng phẫu thuật, đối với những khối u lớn hơn cần cắt bỏ với diện tích lớn, thì việc tái tạo chỉnh hình bao gồm tái tạo vạt da tại chỗ hoặc tái tạo vạt da tự do sẽ được thực hiện đồng thời với phẫu thuật điều trị, để giảm thiểu ảnh hưởng đến ngoại hình và chức năng khoang miệng sau phẫu thuật.

Ngoài ra, việc chẩn đoán và điều trị ung thư vòm mũi họng, u xoang mũi, ung thư hầu họng, ung thư thanh quản và ung thư hạ họng cũng được phối hợp với nội soi và đưa vào sử dụng hệ thống hình ảnh dải tần hẹp (Narrow Band Imaging System) để chẩn đoán khối u, sau đó làm các xét nghiệm hình ảnh học để tiến hành điều trị.

Trong điều trị u tuyến mang tai, việc bảo tồn dây thần kinh mặt đóng vai trò hết sức quan trọng, ngoài áp dụng phẫu thuật truyền thống để bảo tồn nguyên vẹn dây thần kinh ra, đội ngũ chúng tôi còn chuẩn bị sẵn máy kích thích thần kinh để hỗ trợ bảo tồn dây thần kinh mặt cho bệnh nhân trong các ca khó.

Hạng mục điều trị:

  1. Khối u vùng đầu cổ lành tính
  2. U tuyến mang tai
  3. U tuyến dưới hàm
  4. Ung thư vòm mũi họng
  5. Ung thư hầu họng
  6. Ung thư thanh quản
  7. Ung thư hạ họng/Ung thư hạ hầu
  8. Ung thư tuyến nước bọt
  9. Ung thư khoang miệng

Lựa chọn phương pháp điều trị

Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật cắt bỏ là bước quan trọng nhất trong điều trị ung thư khoang miệng, mức độ cắt bỏ sẽ khác nhau tùy theo từng giai đoạn. Về nguyên tắc, phạm vi cắt bỏ phải giữ ở một khoảng cách an toàn nhất định với khối u:

Ung thư biểu mô tại chỗ: Chỉ cắt bỏ vùng bị bệnh.

Giai đoạn I: Chỉ cắt bỏ vùng bị bệnh, cắt bỏ hạch cổ tùy theo tình hình bệnh.

Giai đoạn II: Cắt bỏ vùng bị bệnh và hạch cổ trên.

Giai đoạn III: Cắt bỏ rộng vùng bị bệnh và nạo vét hạch cổ.

Giai đoạn IV: Cắt bỏ phạm vi lớn vùng bị bệnh và nạo vét hạch cổ, có thể bao gồm da mặt, hoặc một phần xương hàm trên, hàm dưới.

 

Xạ trị

Đối với khối u ở giai đoạn sớm, kích thước nhỏ và khu trú, thì xạ trị và phẫu thuật cắt bỏ đều là những phương pháp điều trị hiệu quả; nhưng đối với bệnh nhân ở giai đoạn III và IV, thì phải tùy tình hình để kết hợp cả phẫu thuật và xạ trị, đặc biệt nếu vết mổ còn sót tế bào khối u, hoặc khối u xâm lấn ngoài màng hạch, xâm lấn quanh dây thần kinh hoặc mạch bạch huyết, thì đều phải phẫu thuật kết hợp phẫu thuật và xạ trị.

 

Hóa trị

Tổng hợp nhiều nghiên cứu cho thấy, thực hiện hóa trị trước hoặc sau phẫu thuật có thể giúp giảm thiểu một số di căn xa, đối với những bệnh nhân ung thư khoang miệng giai đoạn muộn (giai đoạn III, IV) không thể hoặc không phù hợp tiến hành phẫu thuật cắt bỏ, thì phải cân nhắc xạ trị kết hợp hóa trị; với các ca bệnh có thể được cắt bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật, thì việc hóa trị liệu trước phẫu thuật không thể cải thiện khả năng kiểm soát tại chỗ hoặc tăng tỷ lệ sống sót của bệnh nhân.

 

Khác

Còn các liệu pháp miễn dịch, gen hoặc các liệu pháp sinh học khác, hiện nay vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.

 

Theo dõi và kiểm tra

Việc tái phát ung thư khoang miệng thường xảy ra trong vòng một năm sau khi điều trị, do đó mỗi tháng ít nhất phải theo dõi một lần, 2 tháng một lần trong năm thứ hai, 3 tháng một lần trong năm thứ ba, sau đó 6 tháng một lần. Cứ nửa năm chụp X quang vùng ngực một lần. Ngoài ra, trong thời gian theo dõi cần chú ý đến dấu hiệu di căn xa và xuất hiện khối u nguyên phát thứ hai.

 

Phòng ngừa ung thư khoang miệng

Bệnh ung thư là do nhiều yếu tố gây ra, trong đó các tác nhân gây ung thư từ bên ngoài (thuốc lá, rượu, trầu cau) có làm gia tăng rất nhiều khả năng mắc ung thư khoang miệng, việc loại bỏ các tác nhân này có thể giúp ngăn ngừa ung thư miệng. Các nghiên cứu hiện nay cho thấy, việc sử dụng Vitamin A acid có thể giúp giảm tỷ lệ khối u nguyên phát thứ hai ở bệnh nhân ung thư đầu cổ.

 

Kết luận

Bệnh ung thư khoang miệng có liên quan mật thiết đến các thói quen như hút thuốc, uống rượu và nhai trầu, cùng với sự gia tăng của số lượng người hút thuốc và nhai trầu, tỷ lệ mắc bệnh ung thư khoang miệng ở Đài Loan cũng ngày càng tăng. Nếu phát hiện thấy trong miệng có vết loét khó lành hoặc khối u không rõ nguyên nhân, hãy mau chóng đến cơ sở y tế khám điều trị. Việc điều trị ung thư khoang miệng chủ yếu là bằng biện pháp phẫu thuật, có thể bổ sung bằng xạ trị và hóa trị. Chẩn đoán, điều trị sớm và đúng, không chỉ nâng cao tỷ lệ khỏi bệnh mà còn giảm bớt sự đau đớn trong quá trình điều trị.

Đội ngũ nhân viên y tế

Theo báo cáo đăng ký ung thư của Cục Sức khỏe quốc dân thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi, số ca ung thư đầu cổ ở Đài Loan từ dưới 1000 ca/năm vào năm 1990 đã tăng dần lên trên 8000 ca/năm vào năm 2018. Người mắc bệnh chủ yếu là nam giới, độ tuổi từ 30 đến 60. Đồng thời, do việc hút thuốc lá, uống rượu và ăn trầu có liên quan mật thiết đến khả năng mắc bệnh ung thư đầu cổ, nên xu hướng tỷ lệ mắc căn bệnh ung thư này ở Đài Loan đang ngày càng tăng, trong tương lai gần là rất khó có thể giảm tỷ lệ này. Vì vậy, năm 2004, Bệnh viện Chang Gung Lâm Khẩu đã thành lập đội ngũ điều trị ung thư đầu cổ. Trên thực tế, mô hình điều trị và chăm sóc đội ngũ này đã được thành lập vào năm 1996, đồng thời cũng đã thiết lập cơ sở dữ liệu có cấu trúc.

Tùy vào các yếu tố nguyên nhân gây bệnh và chủng tộc khác nhau, chúng tôi sử dụng kết quả điều trị do cơ sở dữ liệu của chúng tôi tạo ra để thiết lập các hướng dẫn điều trị ung thư khoang miệng do thuốc lá, rượu và trầu cau, đồng thời chia sẻ những hướng dẫn này với các quốc gia có người Châu Á hoặc Tây Á. Việc công bố các tài liệu nghiên cứu quốc tế quan trọng, cũng đã nhiều lần có ảnh hưởng đến hệ thống hướng dẫn phân loại giai đoạn AJCC.

Về mặt nghiên cứu lâm sàng, trên nguyên tắc chia sẻ kinh nghiệm, trong gần mười năm nay, chúng tôi đã chia sẻ dữ liệu với các đội ngũ ung thư khoang miệng từ nhiều quốc gia. Nghiên cứu tịnh tiến của chúng tôi cũng tích cực hợp tác với NIH, Đại học Stanford, Trung tâm Ung thư MD Anderson của Hoa Kỳ và Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc, hy vọng có thể sử dụng sức mạnh tập thể để cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện chất lượng cao, giữ vững tâm nguyện ban đầu từ khi thành lập đội ngũ, tiếp tục cải thiện tỷ lệ sống sót và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư đầu cổ.

Theo kinh nghiệm trước đây cũng như theo nhu cầu lâm sàng, thông qua sự hợp tác liên khoa của đội ngũ điều trị ung thư đầu cổ, chúng tôi có thể cung cấp cho bệnh nhân các phương thức điều trị tinh tế với nhiều mức độ trị liệu khác nhau, tức là phương pháp điều trị riêng biệt “được thiết kế riêng” cho từng bệnh nhân. Chúng tôi hy vọng thông qua mối quan hệ hợp tác lâu dài với công chúng, bệnh nhân và người nhà, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng như các công ty dược phẩm quốc tế và các ngành công nghiệp, để không ngừng nâng cao hiệu quả của đội ngũ trong việc phục vụ bệnh nhân, đó là “Trị bệnh là xuất phát, Phòng bệnh là mục tiêu”, cung cấp cho người bệnh dịch vụ chăm sóc y tế cá nhân hóa, và hướng tới mục đích cao nhất là cải thiện tỷ lệ sống sót và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Chia sẻ ca bệnh

Chia sẻ ca bệnh

Tình trạng phục hồi của bệnh nhân ung thư vùng má sau phẫu thuật và tái tạo (trích từ bài báo tại Annals of Surgical Oncology năm 2008 của bác sĩ Chun-Ta Liao)

Copyright © 2015 CHANG GUNG MEMORIAL HOSPITAL, All Right Reserved.