U hắc tố nội nhãn

Giới thiệu

U hắc tố không chỉ mọc ở bề mặt da, mà còn có thể mọc bên trong mắt, bao gồm cả khối u hắc tố ở màng đệm, nằm sâu phía sau mắt (Hình 1), hoặc khối u hắc tố ở mống mắt nằm ở phía trước mắt. U hắc tố nội nhãn rất hiếm gặp, tỷ lệ mắc ở người da trắng là khoảng 5-11 người/triệu người/năm; tỷ lệ mắc ở người châu Á lại càng thấp hơn, chỉ 0,25-0,64 người/triệu người/năm; ước tính dựa trên dân số của Đài Loan, mỗi năm chỉ có khoảng 5-15 ca mắc.

U hắc tố nội nhãn là khối u ác tính, đa phần là do tế bào nội nhãn bị đột biến, dẫn đến sự tăng sinh bất thường của tế bào với khả năng xâm lấn; Khi khối u phát triển đến mức độ nhất định, có thể sẽ ảnh hưởng đến thị giác, bao gồm hiện tượng chớp sáng, nhìn thấy quầng sáng, hiện tượng ruồi bay, khiếm khuyết thị trường hoặc giảm thị lực, v.v.; Cũng có những bệnh nhân không có triệu chứng, mà là vô tình phát hiện khi đi khám sức khỏe tổng quát.


▲(Hình 1) Chụp ảnh đáy mắt góc rộng

Việc chẩn đoán u hắc tố nội nhãn đòi hỏi các chuyên gia ung bướu mắt có kinh nghiệm tiến hành kiểm tra chi tiết thông qua soi đáy mắt giãn đồng tử, siêu âm, chụp cắt lớp đáy mắt, chụp mạch huỳnh quang, v.v., cũng như chẩn đoán xác định là khối u lành tính, tăng sản sắc tố hay là các khối u di căn ác tính khác.(Hình 2). Ngoài ra còn cần phối hợp với bác sĩ chuyên khoa ung bướu để tiến hành kiểm tra khối u toàn thân, để xác nhận xem các cơ quan khác có bị khối u xâm lấn hay không.


▲Siêu âm mắt có thể kiểm tra khối u nội nhãn

Phân loại giai đoạn của u hắc tố nội nhãn có liên quan trực tiếp đến kích thước và độ dày của khối u, đồng thời căn cứ vào việc có di căn hạch bạch huyết và di căn xa hay không, để xác định giai đoạn lâm sàng và tiên lượng. Về cơ bản, nếu không có di căn hạch bạch huyết hoặc di căn xa, thì đại khái có thể phân loại thành khối u hắc tố nội nhãn lớn, trung bình và nhỏ. Trong những năm gần đây, phương pháp sinh thiết bằng kim nhỏ đã được sử dụng để lấy tế bào khối u đi làm xét nghiệm phân tử. Sau đó thông qua mô hình đột biến gen của khối u, để phân loại chính xác bệnh nhân thành các nhóm có nguy cơ di căn thấp hoặc cao. Việc này cung cấp những thông tin quan trọng để ước tính tỷ lệ sống sót, tiến hành theo dõi bệnh, cũng như tiện cho bệnh nhân lập kế hoạch cuộc sống.

Nhưng điều không may là, mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong điều trị u hắc tố nội nhãn, cũng như đã có thể kiểm soát tốt khối u tại chỗ và bảo tồn không cần cắt bỏ nhãn cầu, nhưng tỷ lệ di căn xa vẫn còn ở mức cao, và cuối cùng sẽ có khoảng 50% bệnh nhân bị di căn dẫn đến tử vong. Tuy vậy, gần đây đã có nhiều liệu pháp chống ung thư mới đang được phát triển và đã đạt được kết quả tốt trong các thử nghiệm sơ bộ trên người. Vì vậy, có thể mong đợi trong tương lai sẽ có những phương pháp điều trị hiệu quả cho u hắc tố di căn!

Lựa chọn phương pháp điều trị

U hắc tố nội nhãn đáp ứng cực kỳ kém với thuốc và hóa trị. Hiện nay phương pháp điều trị chủ đạo là xạ trị (thường gọi là Điện trị liệu) hoặc phẫu thuật cắt bỏ. Dưới đây là giới thiệu một số phương pháp điều trị:

1. Cắt bỏ nhãn cầu

Vì khối u nằm ở trong mắt, do đó cắt bỏ nhãn cầu là phương pháp điều trị trực tiếp và đơn giản nhất, cũng là phương pháp điều trị u hắc tố nội nhãn phổ biến nhất ở các quốc gia không đủ tài nguyên y tế. Nhưng tại Bệnh viện Chang Gung, chúng tôi sẽ thực hiện các phương án điều trị khác như dưới đây, để cố gắng bảo tồn nhãn cầu, trừ khi khối u quá lớn, đã xâm lấn ra ngoài mắt, gây bệnh thiên đầu thống không kiểm soát được.

2. Xạ trị Photon

Xạ trị Photon là phương pháp “điện trị liệu” truyền thống, sử dụng đặc tính tạo ra bức xạ của Photon để chiếu xạ vào các tế bào khối u và tiêu diệt chúng. Nhưng trong quá trình chiếu xạ, Photon cần phải xuyên qua các mô khỏe mạnh trước khi đến được vị trí khối u, rồi lại đi xuyên qua khối u, gây tổn thương cho các mô khỏe mạnh ở phía sau khối u. Tuy rằng hiện nay có các phương pháp xạ trị điều biến cường độ (IMRT) như xạ trị điều biến thể tích (RapidArc), nhưng do hạn chế bởi đặc tính của Photon nên vẫn gây ảnh hưởng ở mức độ nhất định đến các mô xung quanh.

3. Xạ trị Proton

Hiện nay liệu pháp Proton là hình thức xạ trị tiên tiến nhất trên thế giới, đồng thời u hắc tố nội nhãn cũng chính là loại khối u ác tính đầu tiên trên thế giới được điều trị bằng liệu pháp Proton. Do có khả năng kiểm soát khối u tốt, tác dụng phụ thấp và khả năng bảo tồn nhãn cầu cao không cần phải cắt bỏ, nên liệu pháp Proton đã được mệnh danh là “Tiêu chuẩn vàng điều trị” cho u hắc tố nội nhãn.

Nguyên nhân chính khiến liệu pháp Proton có thể đạt được hiệu quả điều trị như vậy, là bởi đặc tính của Proton: Khác với Photon, Proton khi đến vị trí khối u mới phát ra một lượng lớn tia bức xạ, và sau khi phát ra bức xạ, chúng sẽ ngay lập tức dừng lại bên trong khối u, chứ không tiếp tục đi xuyên qua khối u và gây tổn thương các mô khỏe mạnh phía sau nữa, Do đặc tính này, liệu pháp Proton có thể đạt được hiệu quả phá hủy khối u tương tự như xạ trị Photon, nhưng lại giúp giảm đáng kể tổn thương gây ra cho các mô xung quanh. Điều này rất quan trọng đối với một cơ quan có cấu tạo hết sức tinh vi như mắt. Vì khu vực mà khối u hắc tố phát triển là ở gần võng mạc, dây thần kinh thị giác, điểm vàng và các khu vực quan trọng khác. Nếu có thể giảm thiểu tổn thương cho những khu vực quan trọng này ở xung quanh khối u, thì sẽ có cơ hội bảo tồn chức năng thị giác của mắt, đồng thời giảm tác dụng phụ của xạ trị như hội chứng khô mắt, đục thủy tinh thể, thiên đầu thống và thoái hóa thần kinh thị giác võng mạc. Tuy rằng liệu pháp Proton có những đặc tính ưu việt này, nhưng do giá thành của thiết bị rất cao, nên chỉ có một số quốc gia và đội ngũ y tế trên thế giới sở hữu trang bị và kinh nghiệm lâm sàng của liệu pháp Proton.

(Tìm hiểu thêm: Trung tâm Xạ trị và Proton Chang Gung Lâm Khẩu)

4. Xạ trị Photon áp sát

Cũng là một loại xạ trị, được gọi là xạ trị áp sát (xạ trị trong/cận xạ trị), tức là phẫu thuật cấy hạt phóng xạ vào ngay bên cạnh khối u để chiếu xạ trực tiếp vào khối u. Ưu điểm của liệu pháp này là: Do nguồn phóng xạ được đặt ngay cạnh khối u nên chỉ cần với liều bức xạ thấp nhất là có thể đạt hiệu quả rất tốt trong việc phá hủy khối u. Nhưng liệu pháp này đòi hỏi phải phẫu thuật để cấy ghép hạt phóng xạ trước khi điều trị, và sau khi điều trị xong lại phải phẫu thuật để lấy hạt phóng xạ ra. Hiện chưa có bệnh viện nào ở Đài Loan áp dụng liệu pháp này.

5. Cắt bỏ khối u tại chỗ

Nhờ những tiến bộ của trang thiết bị và kỹ thuật phẫu thuật, có thể thực hiện cắt bỏ khối u ở những vị trí cụ thể. Ưu nhược điểm của phương pháp điều trị này chủ yếu phụ thuộc vào kích thước và vị trí của khối u. Nếu khối u có kích thước vừa phải và không nằm gần các cấu trúc quan trọng của mắt (như điểm vàng, dây thần kinh thị giác,...), thì khối u có thể được loại bỏ hoàn toàn theo kế hoạch phẫu thuật thận trọng, sẽ bảo tồn được mắt và thậm chí cả thị lực. Còn đối với các khối u lớn, mặc dù liệu pháp Proton có cơ hội đạt 100% tỷ lệ kiểm soát khối u tại chỗ, nhưng do một số lượng lớn tế bào khối u sẽ bị hoại tử, nên có khả năng cao tạo ra “Hội chứng ly giải u”, cuối cùng sẽ dẫn đến chứng thiên đầu thống không thể kiểm soát được, gây mất thị lực hoặc thậm chí không thể bảo tồn nhãn cầu. Vì vậy, hiện nay có nhiều bác sĩ cũng đang áp dụng biện pháp cắt bỏ khối u tại chỗ sau khi xạ trị, để tránh các tác dụng phụ nêu trên.

6. Liệu pháp nhiệt xuyên đồng tử

Đối với khối u hắc tố nội nhãn ở giai đoạn sớm có kích thước nhỏ và mỏng hơn, thì việc áp dụng nhiệt trị liệu qua đồng tử (TTT) có thể đạt được sự kiểm soát khối u tại chỗ tốt. Liệu pháp này làm giãn nở đồng tử để làm nóng khối u nhằm phá hủy khối u. Tương tự như xạ trị, đây cũng là phương pháp điều trị không xâm lấn, không có vết mổ. Hơn nữa, so với xạ trị thì liệu pháp nhiệt xuyên đồng tử có ít tác dụng phụ tiềm ẩn hơn và ít gây tổn thương hơn cho các mô khỏe mạnh ở xung quanh khối u.

7. Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là một loại thuốc chống ung thư đang được phát triển khá mạnh trong những năm gần đây, thông qua hệ thống miễn dịch của chính bệnh nhân để nhận diện và tiêu diệt tế bào khối u. Điều đáng tiếc là, mặc dù liệu pháp miễn dịch đã đạt được thành công lớn đối với u hắc tố ở da, nhưng đối với u hắc tố nội nhãn thì hiện nay hiệu quả của liệu pháp miễn dịch vẫn chưa đáng kể. Một lý do có thể, đó là khác với u hắc tố trên da, khối u hắc tố nội nhãn không nhất thiết có liên quan đến bức xạ tia cực tím (UV), vì vậy không đáp ứng lý tưởng với liệu pháp miễn dịch mới.

Đội ngũ nhân viên y tế

Bác sĩ An-Ning Chao

Bác sĩ An-Ning Chao là bác sĩ chuyên khoa võng mạc, sau khi được đào tạo chuyên khoa võng mạc ở bệnh viện Chang Gung Lâm Khẩu, ông đã tham gia đào tạo chuyên khoa sâu về ung bướu mắt tại Wills Eye Hospital - trung tâm điều trị ung bướu mắt lớn nhất thế giới ở Philadelphia, Hoa Kỳ. Sau khi trở về Đài Loan, bác sĩ Chao tiếp tục làm việc tại bệnh viện Chang Gung Lâm Khẩu, trong mấy chục năm nay đã điều trị cho vô số bệnh nhân bị ung bướu mắt.

 

Bác sĩ Chun-Chieh Wang

Bác sĩ Wang là bác sĩ chuyên khoa Khoa Phóng xạ và U bướu, sau khi tốt nghiệp Học viện Y khoa Đài Bắc, ông đã đi nghiên cứu và lấy bằng tiến sĩ về Sinh học phân tử tại Đại học California, Los Angeles, Hoa Kỳ. Bác sĩ Wang từng là chủ nhiệm khoa Phóng xạ và U bướu của bệnh viện Chang Gung Lâm Khẩu và có hàng chục năm kinh nghiệm xạ trị cho các bệnh nhân bị ung bướu mắt.

 

Bác sĩ Hung-Da Chou

Bác sĩ Hung-Da Chou là bác sĩ chuyên khoa võng mạc, sau khi được đào tạo chuyên khoa võng mạc ở bệnh viện Chang Gung Lâm Khẩu, ông tiếp tục làm việc tại bệnh viện Chang Gung, đồng thời học lấy bằng tiến sĩ. Bác sĩ Chou hiện là Tổng thư ký khóa I của Ủy ban Bác sĩ nhãn khoa trẻ, đã giành nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, bao gồm Nhân viên ưu tú phục vụ tốt nhất của Khoa Mắt bệnh viện Chang Gung Lâm Khẩu (2018), Báo cáo khoa học ưu tú của Bệnh viện Chang Gung Lâm Khẩu (tháng 2 và 3/2022), Giải nhất Video phẫu thuật của Hiệp hội Vitreo-retina Châu Á-Thái Bình Dương (2019), Giải Vàng (2020) và giải Bạc (2021) Video phẫu thuật của Hiệp hội Y học điểm vàng Đài Loan, Giải Đồng Video phẫu thuật (2021) và được đánh giá ưu tú trong Cuộc thi tuyển chọn báo cáo khoa học (2021) của Hiệp hội Y khoa Võng mạc Đài Loan. Bác sĩ Chou còn nhận được khoản tiền thưởng du lịch từ Hiệp hội Ung bướu mắt thế giới vào năm 2022, để đến tham dự hội nghị thường niên ở Hà Lan và báo cáo về thành quả điều trị u hắc tố nội nhãn bằng liệu pháp Proton của bệnh viện Chang Gung.

 

Bác sĩ Wing-Keen Yap

Bác sĩ Yap là bác sĩ chuyên khoa Phóng xạ và U bướu, sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Đài Loan, ông được đào tạo chuyên khoa toàn diện tại Trung tâm Xạ trị và Proton Chang Gung Lâm Khẩu. Sau khi trở thành bác sĩ chuyên khoa, ông tiếp tục làm việc tại bệnh viện Chang Gung. Bác sĩ Yap hiện là bác sĩ điều trị cấp giảng viên tại Khoa Phóng xạ và U bướu của Bệnh viện Chang Gung Lâm Khẩu. Bác sĩ Yap từng giành được nhiều giải thưởng, bao gồm giải khuyến khích trong Cuộc thi báo cáo khoa học theo hình thức poster Hội nghị thường niên của Hội nghị liên hợp thường niên về ung thư Đài Loan (2016), Nhân viên ưu tú phục vụ tốt nhất của Bệnh viện Chang Gung Lâm Khẩu (2017), Giải nhất Cuộc thi báo cáo khoa học dành cho bác sĩ nội trú của hệ thống bệnh viện Chang Gung (2018), Báo cáo khoa học ưu tú của Bệnh viện Chang Gung Lâm Khẩu (2018, 2020).

Kết quả điều trị

Năm 2014, Trung tâm xạ trị Proton đầu tiên của Đài Loan được khánh thành và đưa vào sử dụng tại Bệnh viện Chang Gung Lâm Khẩu, năm 2018 bắt đầu điều trị cho bệnh nhân đầu tiên bị khối u hắc tố nội nhãn.

Tính đến đầu năm 2022, đã sử dụng xạ trị Proton điều trị cho 10 bệnh nhân bị u hắc tố nội nhãn. Độ tuổi trung vị của bệnh nhân là 52 tuổi (từ 28-69 tuổi), kích thước trung vị của khối u là 11,4 x 8,5 mm. Sau khi bệnh nhân được điều trị 5-10 lần bằng liệu pháp Proton, hiện tại trung vị thời gian theo dõi là 24 tháng. Khối u ở tất cả bệnh nhân (100%) đều được kiểm soát tốt và không tiếp tục phát triển, nhưng có 2 bệnh nhân (20%) sau 2 năm điều trị đã bị di căn xa và không may tử vong. Trong số 8 bệnh nhân còn lại, có 3 bệnh nhân bị tăng nhãn áp (30%) và 2 trong số đó (20%) vì không thể kiểm soát được bệnh tình và đã bị mất thị lực nên quyết định cắt bỏ nhãn cầu. Về bảo tồn thị lực, sau khi điều trị có 6 bệnh nhân (60%) vẫn giữ được thị lực trên 1/10 và 4 bệnh nhân (40%) vẫn giữ được thị lực trên 5/10. Về tác dụng phụ, tổng cộng có 2 con mắt bị đục thủy tinh thể, có 2 bệnh nhân bị tác dụng phụ tại chỗ trên da sau điều trị, 4 con mắt bị chứng khô mắt, và 3 con mắt bị thoái hóa võng mạc ở mắt.

 

Chia sẻ ca bệnh

Bệnh nhân nữ 48 tuổi, do thị lực mắt phải có thay đổi trong khoảng 1 tháng nên đã đến bác sĩ nhãn khoa, kết quả kiểm tra cho thấy có khối u nội nhãn. Do đó cô đã từ miền Trung tới bệnh viện Chang Gung Lâm Khẩu để thăm khám, được chẩn đoán là có u hắc tố nội nhãn. Vì khối u ở rất gần điểm vàng và dây thần kinh thị giác, cộng thêm việc bệnh nhân vẫn có thị lực là 10/10, nên bác sĩ khuyến nghị áp dụng liệu pháp Proton. Sau điều trị, khối u được kiểm soát tốt không còn phát triển thêm, và đã thu nhỏ dần; 1 năm sau điều trị thị lực vẫn còn 7/10. Tác dụng phụ duy nhất của việc điều trị là hội chứng khô mắt nhẹ, hiện nay tình hình ổn định và đang tiếp tục theo dõi.


▲Khối u hắc tố nằm rất gần điểm vàng, đã được kiểm soát tốt sau khi điều trị bằng liệu pháp Proton, thị lực được duy trì ở mức 7/10.

Q&A

Q1: Tại sao lại bị u hắc tố nội nhãn?

U hắc tố nội nhãn xảy ra khi các tế bào mắt bị đột biến gen không rõ nguyên nhân, khiến tế bào phát triển một cách không kiểm soát, dẫn đến ung thư. Phần lớn các khối u hắc tố nội nhãn không liên quan đến di truyền, chỉ một rất ít bệnh nhân có tiền sử gia đình ung thư di truyền.

Q2: Nếu tôi bị u hắc tố nội nhãn thì có phải cắt bỏ mắt không?

Trước đây nếu là khối u hắc tố cỡ lớn thì thông thường bác sĩ sẽ khuyến nghị khoét bỏ mắt, nhưng kể từ khi có liệu pháp Proton thì khối u hắc tố lớn cũng có thể điều trị bằng liệu pháp Proton để đạt được hiệu quả kiểm soát khối u tốt. Tuy nhiên, những khối u ác tính lớn sau khi chiếu xạ Proton rất dễ để lại di chứng là hội chứng tăng nhãn áp. Do đó, bác sĩ sẽ cân nhắc ngoài chiếu xạ ra còn kết hợp tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u tại chỗ, để giảm tác động của những di chứng về sau. Khối u hắc tố cỡ trung bình và khối u hắc tố cỡ nhỏ thường không cần cắt bỏ nhãn cầu, mà có thể sử dụng liệu pháp xạ trị hoặc cắt bỏ khối u tại chỗ.

Q3: Tỷ lệ sống sót của tôi là bao nhiêu?

Trung bình, tỷ lệ sống sót sau 10 năm đối với u hắc tố nội nhãn là 50%. Tỷ lệ sống sót có thể được ước tính dựa vào các đặc điểm của khối u bao gồm kích thước, cấp độ và kết quả sinh thiết, v.v., nhưng độ chính xác thấp hơn so với xét nghiệm phân tử. Do sự tiến bộ của trang thiết bị y tế, có thể sử dụng phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu hoặc chọc hút bằng kim nhỏ để thu thập mô khối u mang đi xét nghiệm. Nếu tiến hành xét nghiệm phân tử, có thể xác định bệnh nhân thuộc nhóm có nguy cơ di căn cao hay thấp. Nhóm nguy cơ di căn thấp có tỷ lệ di căn khối u rất thấp, do đó có thể yên tâm hơn sau khi điều trị khối u mắt; nhưng nếu bệnh nhân thuộc diện có nguy cơ di căn cao, thì sau khi điều trị khối u mắt, cần phải theo dõi chặt chẽ xem khối u có tình trạng di căn hay không.

Copyright © 2015 CHANG GUNG MEMORIAL HOSPITAL, All Right Reserved.