Đốt nhân tuyến giáp bằng sóng cao tần

Giới thiệu

Nhân tuyến giáp

Nhân tuyến giáp là một vấn đề lâm sàng phổ biến. Các nghiên cứu ở người Hoa cho thấy, trong số phụ nữ và nam giới sống ở các khu vực dung nạp đủ iốt, tỷ lệ bị nhân tuyến giáp ở phụ nữ là khoảng 44,7%, cao hơn đáng kể so với 29,9% ở nam giới, và tỷ lệ này cũng tăng theo độ tuổi.

Nhân tuyến giáp còn được gọi là “khối u tuyến giáp” hoặc nhân giáp, nốt tuyến giáp, bướu cổ. Trong số tất cả các trường hợp bị nhân tuyến giáp, có khoảng 5-10% là ác tính, thường được gọi là khối u tuyến giáp ác tính cần phải điều trị bằng phẫu thuật. Do đó, khi phát hiện có nhân tuyến giáp, cần đến phòng khám nội tiết để tiến hành kiểm tra siêu âm tuyến giáp. Bác sĩ sẽ căn cứ vào các đặc điểm hình ảnh siêu âm để quyết định có nên thực hiện chọc hút nhân tuyến giáp hay không.

Chọc hút nhân tuyến giáp dưới hướng dẫn siêu âm, sử dụng kim nhỏ hút lấy một số tế bào tuyến giáp để xác định xem có phải là khối u ác tính hay không. Nếu kết quả là ác tính, bác sĩ sẽ thu xếp phẫu thuật điều trị; nếu thiên về lành tính, bác sĩ cũng sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể để lên lịch siêu âm tuyến giáp theo dõi trong nửa năm hoặc một năm, và thực hiện chọc hút bằng kim nhỏ nếu cần thiết.

Lựa chọn phương pháp điều trị

Trước đây không có nhiều lựa chọn trong điều trị nhân tuyến giáp lành tính. Điều trị bằng phẫu thuật là phương pháp trực tiếp và hiệu quả nhất. Các phương pháp điều trị khác như Thyroxine, Iốt nguyên tử đều có hiệu quả không cao (trừ khối u chức năng tuyến giáp). Đa phần bệnh nhân đều cần định kỳ theo dõi tuyến giáp và sử dụng phương pháp chọc hút bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn siêu âm để điều trị. Với khối u tuyến giáp lành tính, nếu có các dấu hiệu lâm sàng sau, thì nên điều trị bằng phẫu thuật:

  1. 1.Khối u ngày càng lớn làm ảnh hưởng đến ngoại hình, gây phiền toái cho người bệnh.
  2. 2.Khối u ngày càng lớn và chèn ép vào khí quản, gây khó thở khi nằm hoặc khi vận động.
  3. 3.Khối u ngày càng lớn và chèn ép vào thực quản, gây cảm giác nuốt dị vật, thì có thể xem xét các biện pháp điều trị bao gồm phẫu thuật và đốt sóng cao tần xâm lấn tối thiểu, v.v. Đối với khối u tuyến giáp ác tính, thông thường khuyến nghị điều trị bằng phẫu thuật truyền thống, sau đó tùy vào tình hình để tiến hành điều trị bằng iốt phóng xạ-131.

Liệu pháp đốt sóng cao tần là một phương pháp điều trị mới, chủ yếu để xử lý các nhân tuyến giáp lành tính dạng có chức năng hoặc không có chức năng. Thông thường khuyến cáo áp dụng cho khối u trên 2 cm, đồng thời có triệu chứng chèn ép cục bộ. Những bệnh nhân bị khối u tuyến giáp ác tính giai đoạn đầu (< 1 cm và không có di căn tại chỗ hoặc di căn xa) hoặc di căn hạch không thể điều trị bằng phẫu thuật, thì cũng phù hợp áp dụng liệu pháp này. Khối u tuyến cận giáp lành tính cũng có thể cân nhắc áp dụng.

Sự khác biệt chính giữa phẫu thuật đốt sóng cao tần tuyến giáp và phẫu thuật truyền thống là: Phẫu thuật đốt sóng cao tần chỉ cần gây tê cục bộ, không cần đặt nội khí quản. Vết thương sau phẫu thuật chỉ nhỏ bằng lỗ kim, không dễ để lại sẹo. Thời gian cần thiết để tiến hành phẫu thuật đốt sóng cao tần là tương đối ngắn (30 phút đến vài giờ, tùy thuộc vào kích thước của nhân giáp).

Phẫu thuật truyền thống thường có một biến chứng khó tránh khỏi, đó là suy giáp (theo thống kê: khoảng 30% bệnh nhân cắt bỏ một bên tuyến giáp sẽ bị ảnh hưởng chức năng tuyến giáp, có 15% bệnh nhân cần uống Thyroxine); còn các bệnh nhân thực hiện phẫu thuật bằng đốt sóng cao tần thì chức năng tuyến giáp hầu như không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, bệnh nhân tiếp nhận phẫu thuật tuyến giáp kiểu truyền thống cần phải nằm viện từ 3 đến 5 ngày; còn bệnh nhân điều trị bằng đốt sóng cao tần thì cần thời gian hồi phục ngắn hơn (sau phẫu thuật sẽ quan sát nếu không có vấn đề gì thì có thể xuất viện ngay trong ngày).

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, đốt sóng cao tần không làm nhân tuyến giáp biến mất ngay, mà sẽ làm giảm dần thể tích nhân tuyến giáp. Thông thường, trong nửa năm sẽ giảm 70% thể tích, sẽ làm giảm đáng kể mức độ sưng bướu và các triệu chứng chèn ép. Tóm lại, đối với bệnh nhân bị nốt tuyến giáp lành tính, lựa chọn “phẫu thuật đốt sóng cao tần tuyến giáp” sẽ có ưu điểm sau: Gây tê cục bộ, không để lại sẹo, phục hồi nhanh chóng, là lựa chọn mới cho những bệnh nhân không muốn thực hiện phẫu thuật truyền thống.

 

Đốt nhân giáp bằng sóng cao tần

Phẫu thuật truyền thống

Sẹo

Không

3-5 cm

Gây mê

Gây tê cục bộ

Gây mê toàn thân

Đặt ống nội khí quản

Không cần

Cần

Thời gian điều trị

Ngắn hơn

Dài hơn

Thời gian hồi phục

Ngắn hơn

Dài hơn

Thể tích khối u

Thu nhỏ dần

Biến mất hẳn

Chức năng tuyến giáp

Không ảnh hưởng

Dễ bị suy giảm chức năng

Đội ngũ nhân viên y tế

Đội ngũ RFA Đốt sóng cao tần tuyến giáp của Bệnh viện Chang Gung Lâm Khẩu

Đội ngũ RFA Đốt sóng cao tần tuyến giáp của Bệnh viện Chang Gung Lâm Khẩu được thành lập vào năm 2017. Các thành viên của đội ngũ là những chuyên gia đến từ các khoa khác nhau, bao gồm các bác sĩ từ Khoa Chuyển hóa, khoa Nội tiết và Ngoại tổng quát, khoa Bệnh học và khoa Y học hạt nhân. Thông qua hợp tác và làm việc nhóm, chúng tôi cung cấp cho bệnh nhân kỹ thuật điều trị tiên tiến nhất, mang lại kết quả điều trị xuất sắc. Đội ngũ định kỳ tổ chức các cuộc họp để thảo luận về công tác điều trị và các ca bệnh đặc biệt, cũng như định kỳ ra nước ngoài diễn thuyết và báo cáo tại các hội nghị y tế.

Kể từ khi bắt đầu điều trị vào năm 2019 đến nay, đội ngũ RFA Đốt sóng cao tần tuyến giáp của khu viện Lâm Khẩu đã thực hiện gần 150 ca đốt sóng cao tần cắt bỏ u tuyến giáp, và vẫn đang tiếp tục theo dõi sau phẫu thuật. Kết quả phẫu thuật rất ưu việt, không xảy ra biến chứng lớn, cho thấy là một kỹ thuật điều trị rất an toàn. Hiện nay phương pháp này chủ yếu áp dụng cho điều trị nhân tuyến giáp lành tính.

Kết quả điều trị

Mục tiêu của RFA là để thu nhỏ nhân giáp qua một hoặc nhiều liệu trình RFA

Báo cáo của chúng tôi được thể hiện như hình dưới:

Khi nhân nhỏ hơn 5 cm, thông thường sau khoảng một tháng sau phẫu thuật thì bệnh nhân sẽ cảm thấy thể tích khối u giảm rõ rệt (51,9%), việc giảm thể tích này sẽ tiếp tục theo thời gian, từ sáu tháng đến một năm sau phẫu thuật, thể tích nhân giáp sẽ giảm 70-80%; Đối với trường hợp nhân lớn từ 5 cm trở lên, thể tích nhân sẽ giảm chậm hơn, sau khoảng ba tháng thì tốc độ giảm thể tích mới nhanh hơn đáng kể.

Ngoài ra cần lưu ý rằng, nếu ổ bệnh lớn hơn 1 cm và đã được chẩn đoán là khối u tuyến giáp ác tính, hoặc bệnh nhân có đặt máy tạo nhịp tim, thì không phù hợp để tiến hành phương pháp điều trị “đốt sóng cao tần tuyến giáp”.

Dưới đây là một số yếu tố làm căn cứ xác định có cần điều trị RFA bổ sung hay không: Đối với nhân giáp rất lớn (trên 5 cm) hoặc nhân giáp không thể kiểm soát tốt bằng một lần điều trị, lưu lượng máu đến khối u là nhiều, thì thích hợp để thực hiện giảm kích thước khối u.


(Trước khi điều trị)


(Sau khi điều trị)

Chia sẻ ca bệnh

Chia sẻ ca bệnh

Ông Lâm 47 tuổi bước vào phòng khám, một tay ôm cổ, tay kia cầm tờ dữ liệu khám sức khỏe. Không đợi ông Lâm mờ lời, bác sĩ đã hỏi ông đến khám có phải vì bị nhân tuyến giáp hay không? Ông Lâm hơi ngạc nhiên, nhưng bác sĩ thì đã quen rồi, bởi vì đây là một trong những tình huống thường gặp nhất ở phòng khám ngoại trú.

Ông Lâm là giám đốc điều hành cấp cao trong doanh nghiệp về công nghệ, trong đợt khám sức khỏe định kỳ của công ty, ông đã tiến hành thêm hạng mục siêu âm tuyến giáp, kết quả là phát hiện thấy nhân tuyến giáp khá lớn. Nhiều năm nay, vùng cổ của ông Lâm có hiện tượng lồi lên, mỗi lần chủ trì hội nghị công ty, cấp dưới luôn chú ý đến phần cổ của ông, làm ông cứ phải đeo cà vạt đi làm, cảm thấy rất là phiền toái.

Ông Lâm cho biết, trước đây ông từng đi xét nghiệm chọc hút tuyến giáp bằng kim nhỏ ở bộ phận khám ngoại trú của bệnh viện khác, tuy rằng kết quả là lành tính nhưng vùng cổ lồi lên ảnh hưởng đến ngoại hình, do đó vị bác sĩ trước đây cũng có khuyến nghị cần phải phẫu thuật cắt bỏ thì mới giải quyết được vấn đề đó. Thế nhưng, ông lại nghĩ nếu phẫu thuật sẽ có một vết sẹo trên cổ và có thể làm tổn thương dây thần kinh điều khiển dây thanh âm, dẫn đến khàn giọng. Đối với người chủ quản thường xuyên phải họp hành, thì điều đó sẽ gây bất lợi lớn. Ông Lâm bất lực hỏi: “Bác sĩ Chou, tôi thực sự rất lo lắng! Nếu mà không phẫu thuật thì có cách nào khác để giải quyết khối u nhân tuyến giáp to tướng này của tôi không?”

Bác sĩ nói rằng, ngoài phẫu thuật truyền thống ra, những năm gần đây còn có một phương pháp điều trị mới nổi gọi là “Đốt sóng cao tần tuyến giáp”, tức là sử dụng phương pháp xâm lấn tối thiểu để điều trị nhân tuyến giáp. Dưới hướng dẫn siêu âm, sử dụng các kim điện cực siêu nhỏ đưa vào mô khối u và tạo ra sóng tần số vô tuyến, khiến các ion trong tế bào mô xung quanh cọ xát với nhau và sinh ra nhiệt, khi nhiệt độ vượt quá 60 độ, sẽ khiến mô bị hoại tử đông, và sau đó cơ thể con người sẽ tự động hấp thụ, nhờ vậy mà nhân tuyến giáp sẽ bị thu nhỏ hoặc biến mất. Đến hiện tại, ông Lâm rất hài lòng với kết quả điều trị.

Q&A

Q1.Trong trường hợp nào có thể tiến hành đốt sóng cao tần điều trị u tuyến giáp?

  1. Nhân giáp lành tính đã được chọc hút hoặc sinh thiết xét nghiệm từ 2 lần trở lên
  2. U nang phức tạp khó có thể điều trị bằng chọc hút kim nhỏ
  3. Ngoại hình bị ảnh hưởng rõ ràng (đối với người chú trọng ngoại hình), có triệu chứng chèn ép (cổ có cảm giác vướng)
  4. Bướu nhân độc tuyến giáp
  5. Không muốn phẫu thuật vì sợ để lại sẹo

Q2.Tại sao đốt sóng cao tần điều trị u tuyến giáp có thể đạt được hiệu quả điều trị không để lại dấu vết?

  1. Kích thước của kim điện cực dùng để đốt sóng cao tần chỉ bằng với cây kim nhỏ dùng để xét nghiệm chọc hút
  2. Sau khi vết thương lành, gần như không nhìn thấy sẹo

Q3.Một lần đốt sóng cao tần điều trị u tuyến giáp mất bao lâu?

  1. Tùy thuộc vào kích thước của nhân giáp, khi đường kính nhân tăng gấp đôi thì thể tích của nó sẽ tăng gấp 8 lần
  2. Nếu 2 cm sẽ mất khoảng nửa giờ, 4 cm sẽ mất từ 1~2 giờ trở lên

Q4.Quy trình đốt sóng cao tần điều trị u tuyến giáp

  1. Không cần phải nhịn ăn uống
  2. Gây tê cục bộ dưới hướng dẫn siêu âm
  3. Thực hiện đốt nhân giáp bằng sóng cao tần (RFA)
  4. Sau phẫu thuật chườm đá 1 ngày (có thể vận động và ăn uống thoải mái)
  5. Nếu cần thiết có thể dùng thuốc giảm đau hoặc Steroid để giảm sưng

Q5.Đốt sóng cao tần điều trị u tuyến giáp phải thực hiện mấy lần?

Theo thống kê từ tài liệu nước ngoài, để thể tích khối u giảm từ 90% trở lên:

  1. 2 cm cần thực hiện trung bình 1,7 lần
  2. 4 cm cần thực hiện trung bình 2,8 lần
  3. Trên 4 cm thực hiện đốt trung bình 3,8 lần

Bài báo khoa học

  1. Li Y-R, Chou W-Y, Chan W-K, Cheng K-L, Sun J-H, Liu F-H, Chen S-T and Liou M-J (2022) Successful Applications of Food-Assisted and -Simulated Training Model of Thyroid Radiofrequency Ablation. Front. Endocrinol. 13:809835. doi: 10.3389/fendo.2022.809835
Copyright © 2015 CHANG GUNG MEMORIAL HOSPITAL, All Right Reserved.