Biến dạng khuôn mặt do gãy xương sọ mặt

Giới thiệu

Biến dạng khuôn mặt do gãy xương sọ mặt

Việc điều trị gãy xương mặt do chấn thương, cần được thực hiện trong khoảng “thời gian vàng”, nếu được điều trị đúng cách trong khoảng thời gian vàng sau chấn thương, thì sẽ hồi phục nhanh và sẹo vết thương cũng sẽ nhỏ hơn. Tuy nhiên, một số trường hợp cho dù được phẫu thuật trong thời gian vàng nhưng việc khôi phục ví trí xương không thực hiện đầy đủ, hoặc sau khi chấn thương lại không điều trị mà để liền xương tại chỗ khiến khuôn mặt bị biến dạng, thì đều gọi chung là “Biến dạng khuôn mặt do gãy xương sọ mặt”.

Lựa chọn phương pháp điều trị

Các ca biến dạng khuôn mặt do gãy xương sọ mặt đều phải điều trị bằng phẫu thuật, không có phương pháp điều trị bằng thuốc. Có 2 mục tiêu điều trị như sau: Quan trọng nhất là tái tạo lại “chức năng”, rồi mới tính đến cải thiện “thẩm mỹ”.

Điều trị bằng phẫu thuật:

  1. Sử dụng công nghệ in 3D (3D printing) để nắm bắt tình trạng tổn thương xương sọ mặt và hỗ trợ diễn giải trước phẫu thuật, kết hợp mô phỏng phẫu thuật (simulation) để tái tạo lại chức năng khớp cắn cơ bản, và sử dụng hệ thống định vị dẫn đường (navigation) để căn chỉnh chính xác vị trí hốc mắt và sự đối xứng của xương gò má, để khuôn mặt có đường nét cân đối hài hòa sau phẫu thuật.
  2. Việc tái tạo gãy xương trên khuôn mặt, vẫn cần phải sử dụng xương nhân tạo và tấm Titan (Medpor, Chimera, Titanium mesh) để củng cố các vị trí chấn thương như gãy xương ổ mắt, tái tạo xương mũi, tái tạo xương trán hoặc xương sọ, v.v.
  3. Nếu gãy xương gây ra lệch khớp cắn và biến dạng ở phần giữa và dưới của khuôn mặt, thì có thể thực hiện phẫu thuật chỉnh hàm và chỉnh nha, để khôi phục khớp cắn bình thường và diện mạo khuôn mặt hài hòa. Hoặc cũng có thể kết hợp với phẫu thuật gọt xương (Contouring) và phẫu thuật cấy mỡ (Fat graft) để mang lại hiệu quả thẩm mỹ toàn diện hơn.

Đội ngũ nhân viên y tế

Ekip chấn thương sọ mặt

Giáo sư Chien-Tzung Chen

Giáo sư Han-Tsung Liao

Giáo sư Chih-Hao Chen

Phó giáo sư Pang-Yun Chou

Ekip chỉnh nha

Giáo sư Cheng-Ting Ho

Giáo sư Yu-Fang Liao

Trợ lý giáo sư Yuh-Jia Hsieh

Kết quả điều trị

Khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chang Gung Lâm Khẩu nghiên cứu hồi cứu các bệnh nhân gãy xương mặt điều trị bằng phẫu thuật tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện tưởng niệm Chang Gung Lâm Khẩu từ tháng 9 năm 2013 đến tháng 11 năm 2015. Thu thập:

  1. Cơ chế chấn thương
  2. Loại gãy xương
  3. Số lượng xương gãy (một hoặc nhiều)
  4. Điểm mức độ nghiêm trọng của chấn thương (ISS)
  5. Điểm mức độ nghiêm trọng của chấn thương mới (NISS)
  6. Thời gian nhập viện của bệnh nhân và các thông số khác

Dựa trên độ tuổi và cơ chế chấn thương của bệnh nhân, thông qua các nhóm thứ cấp này để đánh giá.

Chúng tôi đã tiến hành phân tích 503 bệnh nhân và 1018 xương bị gãy, trong đó đa phần mẫu phân tích là nam giới trẻ tuổi. Tai nạn xe máy (mô tô) là cơ chế gây chấn thương chính (73,6%), tiếp đến là té ngã (10,9%). Gãy xương gò má và gãy xương hàm dưới chiếm tỷ lệ cao nhất. Những bệnh nhân trẻ tuổi trong nhóm đi xe máy có tỷ lệ gãy xương gò má và Gãy Le Fort I (gãy Guerin) cao hơn đáng kể, tỷ lệ mức độ nghiêm trọng cao hơn, ISS và NISS cao hơn so với nhóm chấn thương không phải do tai nạn xe máy. Về thời gian nằm viện thì không có sự khác biệt đáng kể.

Ở Đài Loan, nguyên nhân chủ yếu gây gãy xương mặt là do tai nạn xe máy. Trong các vụ tai nạn xe máy, chỉ số ISS và NISS tăng đáng kể ở những bệnh nhân trẻ tuổi bị gãy xương mặt. Ngoài ra, tỷ lệ xảy ra gãy xương gò má và gãy xương hàm dưới ở nhóm đi xe máy là khá cao. Vì vậy, cần tăng cường công tác giáo dục sức khỏe cho nhóm sử dụng xe máy ở Đài Loan, cũng như nâng cao nhận thức của họ về cơ chế chấn thương cũng như tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm.

Chia sẻ ca bệnh

Tái tạo khuôn mặt mang lại niềm tin trong tim -- Hành trình đến Đài Loan chữa bệnh của Samuel

Bài: Pang-Yun Chou

Lần đầu làm quen với Samuel

Kể từ ngày 21/12/2017 khi tôi trở thành bạn bè trên Facebook với Samuel đến nay đã khoảng một năm rồi, và cách đây hai tuần anh ấy vừa trải qua một cuộc phẫu thuật lớn để tái tạo vùng sọ mặt. Khi đó, tin nhắn đầu tiên anh ấy gửi cho tôi là: Chào bác sĩ Chou, tôi bị tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Úc, xương mặt của tôi bị gãy vụn. Tôi tự nghĩ, sao lại tìm đến tôi cơ chứ?

Lần đầu làm quen với Samuel

Thế là, tôi bắt đầu nhờ Samuel cung cấp một số dữ liệu về tình hình chấn thương ở Úc, bao gồm hồ sơ bệnh án do bệnh viện cung cấp, ảnh chụp vết thương ban đầu của bệnh nhân và ảnh hồi phục hiện tại, chụp cắt lớp vi tính vùng sọ mặt tại thời điểm bị thương và Phim X- quang của các thương tích vật lý đi kèm và các thông tin khác. Tìm hiểu sơ bộ cho thấy, Samuel đã bị chấn thương khá nặng trong tai nạn khiến phải cắt mở khí quản cổ ngay để duy trì hô hấp; xuất huyết nội sọ khiến chỉ số hôn mê có thời điểm giảm xuống 10, phải mổ sọ não gấp để loại bỏ cục máu đông nội sọ; gãy 8 xương sườn và tràn khí màng phổi hai bên, phải đặt ống dẫn lưu ống lồng ngực; gãy xương hở vùng mặt và tổn thương dây thần kinh mặt nghiêm trọng. Anh ấy đã trải qua nhiều lần phẫu thuật điều trị ở Úc, cũng chính các nguyên nhân trên khiến ban đầu anh ấy bị hôn mê gần một tháng. Tại Đài Loan, những ca như vậy đã đạt đến tiêu chuẩn thương tích nặng, có tỷ lệ tử vong là khá cao. Có lẽ vì Samuel còn trẻ khỏe, cũng như nhờ sự giúp đỡ tận tình từ các bệnh viện ở Úc nên anh mới có cơ hội tiếp tục nỗ lực tìm kiếm cơ hội tái tạo lại khuôn mặt, cuối cùng anh ấy đã quyết định đến Đài Loan điều trị.

Giải thích chi tiết trước phẫu thuật và trao đổi với Samuel về phương pháp phẫu thuật tái tạo

Trong suốt một năm chuẩn bị, chúng tôi thường xuyên nhắn tin trao đổi tình hình. Việc tái tạo xương mặt lần hai không thể thực hiện ngay sau khi phẫu thuật ở Úc, mà cần phải đợi bệnh nhân hồi phục tốt, sau đó tiến hành theo dõi bằng chụp cắt lớp vi tính sọ mặt để thảo luận về các phương pháp tái tạo xương mặt tiếp theo có thể thực hiện. Samuel và tôi đã thảo luận về việc sử dụng loại vật liệu nào để tái tạo, nên sử dụng vật liệu tự thân, tấm xương tổng hợp (xương nhân tạo) hay là ghép tấm Titan được thiết kế riêng, tất cả đều là những vấn đề mà chúng tôi quan tâm trao đổi. Tôi luôn cố gắng để Samuel hiểu rõ bệnh tình của bản thân, thảo luận kỹ lưỡng và cho anh ấy biết ưu nhược điểm của từng loại phẫu thuật tái tạo. Vì không có lựa chọn tối ưu tuyệt đối nào cho việc tái tạo tổng thể xương mặt. Trách nhiệm lớn nhất của bác sĩ, đó là trước khi phẫu thuật phải để bệnh nhân hiểu và nắm rõ phương pháp phẫu thuật. Bởi vì đây là một cuộc đại phẫu. Chúng tôi cũng đã thảo luận về việc sử dụng hệ thống định vị dẫn đường để theo đuổi độ chính xác trong phẫu thuật. Cuối cùng chúng tôi đã chọn một phương pháp tái thiết khá phức tạp nhưng hợp lý: Định vị dẫn đường mô phỏng kế hoạch phẫu thuật, dùng tấm Titan tùy chỉnh (Ti-mesh) để tái tạo xương trán, dùng xương sườn tự thân để tái tạo vùng quanh ổ mắt, dùng xương tổng hợp (medpor) và tấm Titan để tái tạo bên trong và đáy hốc mắt, cuối cùng là phẫu thuật tái tạo mô mềm quanh mắt.

Trước khi sang Đài Loan gặp mặt, bệnh nhân đã nắm rõ phương pháp điều trị

Một năm trước nhận được lời thỉnh cầu của Samuel, tám tháng sau Samuel quyết định sẽ đến Đài Loan phẫu thuật, cho đến thời điểm thực tế tiến hành phẫu thuật là khoảng một năm. Cuộc phẫu thuật đã từng phải hoãn lại vì chúng tôi muốn sửa tấm Ti-mesh cho đối xứng cân đối hơn, sau khi trao đổi với Samuel, tôi đã dời cuộc phẫu thuật lại hai tháng, Samuel cũng rất thông cảm và hợp tác với quyết định của chúng tôi. Một tháng rưỡi trước khi phẫu thuật, cuối cùng chúng tôi cũng gặp nhau tại Đài Loan, ở khu vực khám ngoại trú. Nhờ sự phát triển của mạng Internet, từ trước khi gặp mặt, trong tâm trí tôi đã in sâu một hình ảnh đại khái về diện mạo và xương mặt của Samuel. Cũng như tiến độ sản xuất các vật liệu cấy ghép dùng trong ca phẫu thuật, kế hoạch cho toàn bộ ca phẫu thuật, địa điểm phẫu thuật, v.v., cũng đã được chúng tôi truyền đạt đầy đủ cho nhau khi nhắn tin thảo luận. Khi Samuel và gia đình đến Đài Loan, chúng tôi thực sự giống như tái ngộ với người bạn cũ lâu ngày không gặp.

Hỗ trợ bằng hình ảnh định vị dẫn đường chính xác, in 3D nâng cao và kỹ thuật phẫu thuật thành thục

Lần phẫu thuật này, phần tái tạo mô mềm quanh mắt phải nhờ vào tay nghề của bác sĩ Hung-Chang Chen, vì vậy chúng tôi đã cùng hợp tác thực hiện ca phẫu thuật này. Vào ngày phẫu thuật, cả hai ekip chúng tôi cùng "ra tay", một ekip tiến hành mổ lấy xương sườn, bình thường việc lấy xương sườn là chuyện "như cơm bữa" đối với chúng tôi, nhưng lần này phải lấy xương sườn của một bệnh nhân từng bị gãy xương sườn ở cả hai bên, mô mềm xung quanh lại đang tăng sinh rất nhiều sẹo và vảy, thì lại đòi hỏi vô cùng cẩn trọng, vì phải tránh tái phát tràn khí màng phổi. Ekip còn lại thực hiện phẫu thuật bóc tách da đầu và mở ổ dưới mắt, từ từ đi vào vùng tái tạo, dần dần bộc lộ ra khu vực ổ khuyết xương và gãy xương ban đầu.

Khi phẫu thuật bóc tách vùng mắt cần thận trọng tránh làm tổn thương dây thần kinh thị giác. Để tách vùng dính mi cầu ra, phải thao tác hết sức cẩn trọng, vì một khi chạm vào dây thần kinh thị giác là sẽ có khả năng bị mù. Kết nối hệ thống định vị dẫn đường, sau khi hoàn tất toàn bộ phần tách dính xong, lần lượt ghép các vật liệu ghép vá theo kế hoạch: Vá trán bằng tấm Titan tùy chỉnh, tạo hình hốc mắt bằng xương sườn, vá sàn hốc mắt tấm Titan đúc sẵn, và ghép xương nhân tạo tổng hợp, v.v. Sau khi hoàn thành việc tái tạo và cố định khung xương mặt, tiếp tục tiến hành tái tạo mô quanh mắt. Bác sĩ Chen đã thực hiện phẫu thuật chỉnh hình khóe mắt, khâu cơ nâng mắt và tái tạo ống lệ. Sau khi thực hiện các hạng mục phẫu thuật này nhằm củng cố tái tạo xương hốc mắt xong, đã giúp cho đôi mắt của bệnh nhân được cân xứng hài hòa hơn. Qua một năm sau chấn thương lớn, cuối cùng mắt phải của bệnh nhân đã nhìn thấy ánh sáng, thị giác sau phẫu thuật không hề bị tổn thương, nhãn cầu có thể chuyển động thoải mái.

Đội ngũ chuyên nghiệp chăm sóc tận tình sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật, bệnh nhân ở tại phòng bệnh, được đội ngũ điều dưỡng chuyên nghiệp chăm sóc tận tình, và điều dưỡng viên chuyên khoa đánh giá tỉ mỉ về vết thương sau mổ, do đó trong thời gian dự kiến đã có thể rút ống dẫn lưu và cắt chỉ. Một tuần sau, Samuel đã xuất viện.

Lời cảm ơn chân thành của bệnh nhân và sự khích lệ của bác sĩ

Hai tuần sau phẫu thuật, chúng tôi lại có thể liên lạc trên mạng xã hội, Samuel nói: Cảm ơn bác sĩ, vết thương rất mau lành, mặt tôi rất cân đối. Cả năm vừa qua tôi rất mất tự tin, may mà có anh, tôi mới có thể bắt đầu một cuộc sống mới. Chúc bác sĩ và gia đình có cuộc sống hạnh phúc, Happy New Year. Những lời này chính là sự động viên lớn nhất đối với người thầy thuốc, tôi cũng khích lệ anh ấy: Về mặt tâm lý, điều quan trọng nhất là phải tự tin sau phẫu thuật tái tạo, anh còn trẻ, còn có nhiều ước mơ để nỗ lực hoàn thành, chúng ta cùng cố lên nhé! Tuy rằng sau này Samuel vẫn còn phải đi tiếp con đường tái tạo khuôn mặt, nhưng việc thiết lập được lòng tin, cộng với sự đồng hành của gia đình và bạn, tôi tin rằng anh ấy sẽ không cô đơn.

Hai tuần sau phẫu thuật

Sáu tháng sau phẫu thuật

Sáu tháng Pre-op & Post-op


Sáu tháng Pre-op & Post-op


Pre-op

Sáu tháng Post-op

Trước & Sau phẫu thuật (Trước khi phẫu thuật, khóe mắt phải co vào 7 mm. Sáu tháng sau phẫu thuật chỉnh sửa, khoảng cách giữa hai mắt đã đều nhau, mắt phải có thể cử động thoải mái không bị hạn chế).


Trước & Sau phẫu thuật (trước phẫu thuật, xương trán bên phải bị khuyết sau khi mổ cắt sọ do chấn thương đầu nghiêm trọng. Sau phẫu thuật tạo hình sọ não bằng tấm Titan tùy chỉnh, hai bên trán đã cân đối hơn, cải thiện đáng kể độ lõm của vùng trán phải).

Q&A

Q1. “Thời gian vàng” sau chấn thương là khoảng bao lâu?

Thông thường, khoảng thời gian vàng để điều trị gãy xương hàm mặt do chấn thương là trong vòng 14 ngày sau khi bị thương. Trong thời gian này, phần gãy di lệch sẽ dễ khôi phục vị trí hơn, và cũng tránh được việc tự lành xương khiến khó di chuyển điều chỉnh lại phần xương bị gãy. Nếu chấn thương gãy xương mặt di lệch, mà để quá 1 tháng mới đi phẫu thuật khôi phục vị trí, thì có thể sẽ cần phải tách chỗ xương đã tự lành ra, rồi mới đặt xương trở lại đúng vị trí giải phẫu ban đầu.

Q2.  Nẹp vít xương có cần phải lấy ra không? Có thể đi máy bay ra nước ngoài không?

Nẹp vít xương sử dụng hiện nay đều là vít và nẹp hợp kim Titan, sau khi phẫu thuật không cần phải tháo ra, khi qua cổng an ninh hải quan cũng sẽ không kêu bíp bíp. Tình huống duy nhất cần phải tháo nẹp vít xương, đó là khi là kim loại bị lộ ra ngoài, hoặc vị trí cố định chấn thương bị nhiễm trùng hoặc áp xe, thì có thể phải mở ổ để làm sạch và sẽ tháo bỏ nẹp vít.

Q3.  Phẫu thuật gãy xương sọ mặt có thể chỉ cần phẫu thuật một lần là xong không?

Gãy xương mặt đơn giản thì có thể chỉ cần một lần phẫu thuật là hoàn thành. Nhưng nếu gãy xương phức tạp, gãy vụn hoặc khi chấn thương lại dẫn đến tổn thương nhiều cơ quan khác (ví dụ: xuất huyết nội sọ, gãy xương chân tay, tổn thương trong lồng ngực hoặc khoang bụng, v.v.), thì phải tiến hành phẫu thuật theo kế hoạch và theo giai đoạn, nhằm đạt được kết quả tốt nhất. Tổng thể thời gian điều trị có thể lên tới hơn 1 năm.

Q4.  Ngoài gãy xương mặt ra, dây thần kinh mặt có bị ảnh hưởng không?

Khi bị chấn thương gây ra vết rách trên khuôn mặt, sẽ dễ dẫn đến tổn thương cho dây thần kinh mặt ở mô mềm bên dưới, đôi khi dù không có vết rách trên mặt nhưng cũng có thể gây tê liệt tạm thời dây thần kinh mặt.

Q5.  Nếu khi chấn thương bị gãy răng, thì có cần điều trị ngay không?

Trong quá trình xử lý cấp cứu, sẽ hội ý với nha sĩ để gắn tạm phần răng bị tổn thương, nhưng nếu bị gãy xương hàm trên hoặc hàm dưới thì trước hết sẽ phải tiến hành khôi phục cố định vị trí hàm và tái tạo khớp cắn. Sau khi nền tảng xương đã ổn định, cần được nha sĩ tiến hành việc theo dõi và điều trị tiếp theo, tùy tình trạng răng bị tổn thương mà có thể cấy ghép xương hoặc phục hình implant.

Q6.  Sau chấn thương xương hốc mắt, sẽ bị song thị trong bao lâu?

Chứng song thị (nhìn đôi) do gãy xương hốc mắt, là vì sau khi phẫu thuật khôi phục vị trí giải phẫu, thì vị trí nhãn cầu đã được định vị lại, nên vẫn sẽ có hiện tượng nhìn đôi mà bệnh nhân cần phải tự thích ứng. Theo kinh nghiệm thông thường, khoảng một tháng sau phẫu thuật, tình trạng nhìn đôi sẽ dần được cải thiện.

Q7.  Sau phẫu thuật gãy xương hàm trên và hàm dưới, vì răng bị buộc lại rồi, tôi phải ăn uống ra sao?

Sau phẫu thuật khôi phục vị trí xương hàm trên và hàm dưới, nhằm ổn định vị trí khớp cắn mới, trước đây bác sĩ thường dùng dây thép để cố định chặt vị trí các răng, tránh há miệng làm lệch khớp cắn và tránh ảnh hưởng đến quá trình lành xương. Tuy nhiên, nhờ sự tiến bộ của công nghệ phẫu thuật và điều trị chỉnh nha sau phẫu thuật, do đó trong các trường hợp này mặc dù vị trí răng vẫn cần được cố định sau phẫu thuật nhưng chỉ sử dụng dây cao su thay cho dây thép, để người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt hơn, vừa đẩy nhanh tốc độ hồi phục mà vẫn đảm bảo duy trì vị trí khớp cắn đúng.

Copyright © 2015 CHANG GUNG MEMORIAL HOSPITAL, All Right Reserved.